Nguyên liệu:
- Gạo nếp: 1 kg ( 3 bơ sữa bò)
- Gấc nếp chín: 1 quả to
- Rượu trắng: 1-2 thìa
- Muối, đường: đủ dùng
- Mỡ gà (mỡ lợn hoặc dầu ăn): đủ dùng
Chế biến:
Chuẩn bị gấc
- Bổ đôi quả gấc, dùng thìa lấy phần ruột đỏ của gấc, lấy cả hạt gấc, để riêng ra bát, cho 1-2 thìa rượu trắng và một chút muối vào, dùng tay hoặc dùng thìa đánh nhuyễn phần thịt gấc ra, công đoạn này giúp gấc nhuyễn ra dễ ngấm đều vào gạo, rượu có tác dụng giúp gấc lên mầu đỏ đẹp
Chuẩn bị gạo
- Vo gạo sạch ngâm gạo khoảng 4-5 tiếng, có thể rút ngắn thời gian bằng cách ngâm gạo bằng nước nóng già: khoảng 2-3 tiếng. Nên vo sạch gạo trước khi ngâm, khi ngâm xong chỉ cần vớt gạo ra chứ không vo lại nữa vì nếu vo gạo lúc này dễ làm vỡ hạt gạo.
- Vớt gạo ra để ráo nước, cho một chút muối vào gạo, xóc nhẹ cho muối ngấm đều vào gạo mà không làm hạt gạo bị gẫy nát.
- Trộn gấc vào gạo, dùng đũa trộn đều cho mầu đỏ gấc ngấm đều vào hạt gạo, khi thấy toàn bộ gạo có mầu đỏ đều là được
Đồ xôi
- Cho gạo vào chõ hấp. Mình chúa lười nên hấp bằng nồi cơm điện rất tiện mà thấy rất OK: Cho xuống dưới nồi một cái bát, cho một lượng nước vừa đủ vào nồi, đặt vỉ hấp lên rồi cho gạo vào. Chỉ nên cho lượng nước vừa đủ chứ không nên cho nhiều nước quá dễ làm nát phần xôi phía dưới. Chõ xôi cũng cần thông thoáng đảm bảo cho hơi nước lưu chuyển đều trong lòng chõ tránh tình trạng xôi phía dưới nát mà xôi trên mặt lại bị khô cứng. Tốt nhất là chỉ cho lượng nếp vừa đủ với dung tích của chõ, khi cho gạo không nên nén chặt mà chỉ nên rải gạo đều để tạo độ hổng giúp hơi nước lưu chuyển đều. Một típ nhỏ của các cụ ngày xưa là có thể đặt một cái chai nhỏ giữa chõ rồi cho gạo vào sau đó rút chai ra giúp tạo độ hổng trong chõ ,
- Hấp khoảng 45-50 phút, kiểm tra thấy hạt xôi chín mềm là được.
- Khi xôi chín dùng đũa nhẹ tay xới cho xôi bông xốp đều lên. Tránh làm nát xôi.
- Vẫn để chõ xôi trên bếp, vặn nhỏ lửa. Nếm xôi để kiểm tra độ ngọt, thông thường gấc cũng đã có vị ngọt tự nhiên giúp xôi có vị ngọt nhẹ rồi nên tùy khẩu vị để nêm thêm đường. Rưới đều 1 thìa mỡ gà và một ít đường lên trên xôi, dùng đũa xới đều, tiếp tục làm như vậy cho đên khi xôi đủ độ ngọt mong muốn. Nói chung công đoạn này là công đoạn liên tục xới đều xôi làm sao cho cả mỡ gà và đường ngấm đều vào xôi, cần khéo léo làm sao để xới xôi đều bông xốp nhưng không làm nát hạt xôi.
- Đậy chõ xôi lại tiếp tục hấp thêm 5-6 phút nữa cho đường và mỡ thấm đều vào xôi là được. Lưu ý là chỉ hấp thêm chừng 5-6 phút thôi nhé vì lúc này xôi đã được trộn đường rồi nếu đun lâu quá sẽ bị nhão nát.
- Xơi xôi ra đĩa, măm măm...
Rưới đều 1 thìa mỡ gà và một ít đường lên trên xôi, dùng đũa xới đều
Típ:
Gấc bảo quản ngăn đá tủ lạnh có thể dùng được quanh năm nên đến mùa gấc mình hay tranh thủ mua thật nhiều về nạo lấy ruột (cả hạt) đóng gói cho vào ngăn đá tủ lạnh. Chăm chỉ hơn thì cho phần ruột (cả hạt) vào hấp chín, bóc lấy phần thịt gấc lột bỏ phần hạt, đóng gói cho vào ngăn đá tủ lạnh. Bỏ ra ngoài 20-30 phút trước khi dùng cho dã đông tự nhiên.
Liên tục xới đều xôi làm sao cho cả mỡ gà và đường ngấm đều vào xôi, cần khéo léo làm sao để xới xôi đều bông xốp nhưng không làm nát hạt xôi.
Còn sau đây là phần sáng tác của Chi Lan Bích Đạt: Giúp mẹ đúc xôi vào khuôn
Sẵn có mấy khuôn làm bánh nướng bánh dẻo nên Chi Lan Bich đạt trổ tài giúp mẹ bếp núc.
No comments:
Post a Comment