AdSense

Total Pageviews

Showing posts with label Cooking. Các loại chè. Show all posts
Showing posts with label Cooking. Các loại chè. Show all posts

Friday, December 20, 2013

Chè cốm long nhãn


Mùa nhãn mình có thói quen tích trữ long nhãn tươi trong ngăn đá tủ lạnh. Nhãn nhà trồng được mình rửa sạch bụi bẩn để ráo nước, bóc vỏ bỏ hạt còn long nhãn thì cho vào hộp hoặc túi ni lon trữ trong ngăn đá tủ lạnh, tuy mất công một tý nhưng lại được ăn nhãn tươi quanh năm.
Năm nay ngoài long nhãn mình còn tập tành trữ thử cả cốm tươi nữa, thế là tiện sẵn có long nhãn và cả cốm tươi mình lôi ra nấu chè, rất đơn giản mà lại nhanh.
Nếu không có long nhãn và cốm tươi bạn có thể thử làm với cốm và long nhãn khô nhé.




Nguyên liệu:

-       Cốm tươi: 200 gam
-       Long nhãn tươi: 200gam
-       Bột sắn dây/ bột năng: đủ dùng
-       Đường/ đường phèn/ đường thốt lốt: đủ dùng

Chế biến:

-       Cho nước đủ dùng vào nồi, cho đường vừa khẩu vị, đặt lên bếp đun, vừa đun vừa khuấy đều cho tan hết đường, đun sôi hỗn hợp.
-       Bột sắn dây/ bột năng + 1chút nước, hòa tan.
-       Từ từ trút bột đã hòa tan vào nồi nước đường đang sôi. Dùng đũa khuấy đều cho hỗn hơp bột sánh nhuyễn không bị vón cục, có thể điều chỉnh lượng bột và nước cho đến khi hỗn hợp đạt được độ sánh như mong muốn.
-       Thả long nhãn vào hỗn hợp, khuấy đều, đun hỗn hợp sôi lại.
-       Để lửa to, từ từ rắc cốm vào hỗn hợp, đảo đều, hạt cốm sẽ lơ lửng trong hỗn hợp, tiếp tục đun cho đến khi chè sánh, kiểm tra thấy hạt cốm mềm không bị nở quá là được, nêm thêm đường nếu cần và nhanh tay bắc nồi ra khỏi bếp. Lưu ý nếu đun lâu sẽ làm hạt cốm bị nở tung (như cháo) món ăn sẽ mất cảm quan nên thậm trí bạn không cần phải đợi chè sôi lại mới bắc nồi ra nhé.
-       Múc chè ra các bát nhỏ, có thể ăn nóng hoặc để ngăn mát tủ lạnh cho chè sánh lại, có thể ăn với đá bào.

 Yêu cầu thành phẩm:

-       Hạt cốm còn nguyên vẹn, không bị nát (không bị nở như cháo nhé).
-       Hạt cốm còn giữ được mầu xanh nhạt.
-       Chè sánh thơm mùi cốm và nhãn, có vị ngọt của long nhãn và đường.


Sunday, May 19, 2013

Chè đỗ đen

Haizz…  món dễ ợt này mà vẫn cứ phải kỳ cạch ngồi gõ lại công thức vì nếu lâu lâu không làm mà không có gì để ngó lại là y như rằng mình lại hay sáng tác thêm.
Để có nồi chè ngon bạn phải chọn được đỗ đen ngon: hạt đều mỏng vỏ mầu đen nhánh, không nên ham chọn đỗ hạt to, hạt đỗ có mầu nhợt nhạt cũng không ngon.
Nấu chè cũng dễ nhưng cũng phải tỷ mẩn một chút thì chè mới ngon. Mình có đôi khi hậu đậu, nấu chè là cho đường vào nồi ninh cùng đỗ ngay từ đầu vậy nên hạt đỗ bị sượng và không nhừ được.
Có rất nhiều kiểu nấu chè nhưng đây là cách làm truyền thống nhất mà mình vẫn được bà và mẹ nấu cho ăn nhé…



Nguyên liệu:
-       Đỗ đen: 700 gam
-       Đường: 700-800 gam
-       Muối: 1 chút
-       Cùi dừa tươi bào sợi: đủ dùng
-       Vani dạng nước hoặc dạng bột: đủ dùng
Chế biến:
-       Đỗ đen đãi sạch, ngâm nước khoảng 3 tiếng cho mềm, nhặt bỏ hạt hỏng nổi trên mặt nước, đãi lại cho sạch một lần nữa, vớt ra để ráo nước.
-       Cho đỗ vào nồi, cho nước sâm sấp mặt đỗ, cho chút muối vào đảo đều (muối sẽ giúp đỗ đậm đà và nhanh giừ hơn), ninh trong nồi áp suất 20 phút. Kiểm tra thấy đỗ đã chín là được.
-       Gạn bỏ nước ninh đỗ để riêng ra, chỉ để lại một chút nước đủ để cho đỗ không bị cháy khi xao đường là được.
-       Trộn đường vào đỗ, đảo đều, nếu có nhiều thời gian thì cứ ủ vậy khoảng nửa tiếng cho đường thấm sâu vào hạt đỗ trước khi tiếp tục ninh, còn nếu không có thời gian thì có thể ninh luôn: Ninh trong nồi áp suất  30 phút. Công đoạn xao đường này giúp cho đường thấm sâu vào bên trong hạt đỗ, khi ăn chè sẽ thấy hạt đỗ cũng có vị ngọt đậm chứ không chỉ ngọt nước.
-       Trút nước ninh đỗ vào nồi và chế thêm nước đủ dùng, ninh tiếp trong nồi áp suất 15 phút nữa đến khi chè sôi lại là được, nêm nếm lại và có thể thêm đường nếu thấy chưa đủ ngọt. Nếu dùng vani dạng bột thì lúc này rắc vani vào nồi chè, đảo đều, múc chè ra để tủ lạnh ăn dần.
Trình bầy:
Múc chè ra cốc, cho đá viên đập vụn, rắc cùi dừa bào sợi lên trên, giỏ vào vài giọt vani (vani nước).
Tổng kết bí kíp nấu chè ngon cho dễ nhớ nào:
-       Chọn đỗ ngon, ngâm đỗ trước khi nấu.
-       Cho một chút muối, muối giúp hạt đỗ chóng giừ và đậm đà.
-       Không cho đường vào đun ngay tư đầu cùng đỗ, cho đường vào sớm quá sẽ làm hạt đỗ bị sượng không nhừ.
-       Công đoạn xao đường rất quan trọng, giúp đường thấm sâu vào bên trong từng hạt đỗ, bỏ qua công đoạn này món chè của bạn sẽ chỉ ngọt nước còn hạt đậu thì nhạt.
Yêu cầu thành phẩm:
-       Hạt đỗ chín mềm, không nát không nhừ.
-       Hạt đỗ ngấm đường có vị ngọt, bùi.