AdSense

Total Pageviews

Showing posts with label Cooking. Gà - Vịt - Ngan - Ngỗng. Show all posts
Showing posts with label Cooking. Gà - Vịt - Ngan - Ngỗng. Show all posts

Saturday, November 2, 2013

Gà rán sốt Teriyaki



Nguyên liệu:

-       Gà: 1 con đã làm sạch khoảng 1,2 - 1,3 kg.
-       Sốt Teriyaki: đủ dùng
-       Rau thơm
-       Dầu ăn, gia vị

Chế biến:

-       Gà nên chọn con không già cũng không quá non, không nên chọn gà có lớp nạc dầy quá món rán sẽ cho cảm giác khô xác.
-       Gà làm sạch chặt miếng vừa ăn, có thể lọc xương thái miếng vừa ăn hoặc xiên que làm thành món gà xiên.
-       Ướp gà với sốt Teriyaki , trộn đều để 15-20 phút cho gà ngấm đều sốt, (tham khảo cách làm sốt Teriyaki trong phần các loại gia vị. Nếu không dùng sốt Teriyaki có thể thay bằng hỗn hợp: 1 thìa canh hắc xì dầu + 2-3 thìa canh dầu hào + 1 thìa cà phê đường hoặc mật ong + 2 thìa canh rượu trắng).
-       Nếu làm gà xiên thì sau khi gà ngấm sốt xiên từng miếng gà vào que, có thể xiên xen kẽ gà với các loại rau củ tùy sở thích.
-       Chảo dầu nóng già, cho gà vào rán vàng (có thể nướng bằng lò nướng).

-       Nêm lại gia vị vừa ăn, bắc ra ăn nóng cùng các loại rau thơm.

Sunday, October 27, 2013

Vịt om sấu



Nguyên liệu:

-      Vịt, chọn con không non cũng không già quá, 1 con đã làm sạch còn khoảng 1,5 kg là vừa ngon.

-      Sấu, món này dùng nhiều sấu hơn bình thường một chút vì món ăn yêu cầu nổi vị chua: 20 quả, cạo sạch vỏ, ngâm nước cho khỏi thâm.

-       Nấm hương: đủ dùng, ngâm nước cho nở, bỏ chân rửa sạch.

-       Hành khô, tỏi khô, gừng: mỗi loại 1 củ bằm nhỏ.

-       Sả bằm: 4-5 củ.

-       Tiêu, ớt hoặc sa tế, nước dừa: đủ dùng.

-       Dầu ăn, nước mắm, gia vị, đường: đủ dùng.

-       Mùi tầu, hành hoa, Rau ngổ: đủ dùng.

-       Rau sống tùy khẩu vị.

Chế biến

-       Vịt làm sạch, có thể xát gừng hoặc rượu cho sạch tùy yêu cầu, chặt miếng nhỏ vừa ăn.

-       Ướp vịt với 2/3 số hành tỏi bằm, gừng bằm, sả bằm, nước mắm, tiêu và một chút đường, để khoảng 15 phút cho ngấm.

-       Chảo dầu nóng già, cho nốt 1/3 số hành bằm tỏi bằm vào phi vàng, cho vịt vào xào săn.

-       Trút vịt + sấu + nấm hương + Ớt hoặc sa tế nếu muốn ăn cay + nước dừa (nếu không có nước dừa có thể dùng nước cũng được) vào nồi áp suất hầm trong vòng 30- 35 phút. Nếu không dùng nồi áp suất có thể đun trên bếp nhỏ lửa đến khi thịt chín mềm là được.

-       Nêm lại gia vị vừa ăn, rắc hành hoa mùi tầu và rau ngổ thái nhỏ lên trên, múc ra ăn nóng cùng với cơm hoặc bún kèm rau sống.

Yêu cầu thành phẩm:

-       Vịt chín mềm, nguyên miếng không bị nát.

-       Nước om vịt sền sệt, lưu ý không cho nhiều nước quá, nếu ăn cùng bún cũng chỉ cho                  nước sâm sấp mặt vịt, nếu cho nhiều nước quá món ăn sẽ mất ngon.

-       Món ăn nổi vị chua, đủ vị mặn ngọt.





Sunday, May 26, 2013

Vịt quay Bắc Kinh (Peking Duck)

Là món ăn có công thức hơi cầu kỳ một chút, thực sự là không khó chỉ hơi mất thời gian và cầu kỳ trong khâu tẩm ướp một chút thôi, nhưng làm xong đảm bảo bạn sẽ rất hài lòng vì từ nay có thể tự chế biến món ăn nổi tiếng này tại gia.
Món ăn yêu cầu khá nhiều loại nguyên liệu tẩm ướp, có những loại khá lạ và khó kiếm (tất nhiên là đối với người nội trợ tệ như mình), hãy chịu khó lượn qua các siêu thị hoặc các cửa hàng bán đồ Hàn, đồ Nhật để kiếm nguyên liệu nhé.
Mình vốn thích dùng nguyên liệu tự nhiên hơn các nguyên liệu dạng chế biến sẵn nên trong công thức này mình đã thay thế một số các nguyên liệu dạng khô/ đóng gói sẵn bằng các nguyên liệu tươi/ tự nhiên như: Bột tỏi được thay thế bằng củ tỏi, bột gừng được thay thế bằng gừng tươi…
Món vịt quay Bắc Kinh có thành công hay không câu trả lời chính là ở độ giòn của da vịt. Yêu cầu đối với món này là da vịt mỏng, giòn, lớp da tách khỏi thịt hơi se se mỡ một chút, da có mầu nâu đỏ sậm còn thịt thì mềm và ngọt.
Còn chần chừ gì nữa… zô bếp nào…

Nguyên liệu:
Nguyên liệu 1: Dùng để ướp bên trong bụng vịt. Có hai cách làm nguyên liệu 1, cả hai cách đều cần cho vào máy say xinh tố xay nhuyễn nếu dùng nguyên liệu tự nhiên, còn nếu sử dụng nguyên liệu dạng bột thì chỉ cần trộn đều bằng tay là được.
Cách 1: dùng Hoisin sauce có sẵn
-       Hoisin sauce: 8 tbsp
-       Đường:  1/2 tbsp
-       Tỏi khô/ bột tỏi (garlic powder): 1 củ
-       Ngũ vị hương (Five spice powder): 1 gói/loại gói 5g
-       Tiêu xay: optional
-       Muối ăn: 1/2 tbsp
-       Gừng tươi/ bột gừng (Ginger powder): 1 củ vừa

Cách 2: Nếu không có sẵn Hoisin sauce có thể gộp luôn bước làm Hoisin sauce vào trong cách này, rất đơn giản gần như không cần phải làm nhiều hơn một thao tác nào cả. (xem công thức làm Hoisin sauce bên mục các loại gia vị)

-       Hắc xì dầu: 60ml
-       Black bean paste/ Red bean paste (sốt đậu đen/ sốt đậu đỏ): 4 tbsp
-       Mật ong: 2 thìa canh
-       Giấm: 4 thìa canh
-       Ớt khô/ tương ớt (dùng tương ớt nếu muốn có vị cay nhẹ,thích hợp với nhà có trẻ nhỏ): 1 quả / 2 tbsp tương ớt.
-       Tỏi khô/ bột tỏi (Garlic powder): 1 củ
-       Dầu ăn/ dầu mè: 2 - 3 thìa canh
-       Tiêu xay: optional
-       Đường:  1/2 tbsp
-       Ngũ vị hương (Five spice powder): 1 gói/loại gói 5 g
-       Muối ăn: 1/2 - 1tbsp
-       Gừng tươi/ bột gừng (Ginger powder): 1 củ vừa.

Nguyên liệu 1
Nguyên liệu 2:
-       Cam thảo khô (Licorice): 15-20 lát
-       Hoa hồi (Star Anaise):  10 cái
-       Citrus peel (vỏ cam/ quýt/ quất/ bưởi), loại khô hoặc tươi: 2-3 miếng vừa



 Nguyên liệu 2, có một quả bưởi nhỏ xíu mới rụng, mình hái thêm mấy quả quất xanh trong vườn và dùng vỏ của chúng để làm nguyên liệu.

Nguyên liệu 3:
-       Mật ong: 5 thìa canh
-       Nước cốt chanh: ½ quả
-       Giấm: 5 thìa canh
-       Mạch nha (Maltose): đủ dùng
-       Nước nóng: 250ml


Nguyên liệu 3

Ngoài 3 nhóm nguyên liệu trên còn cần chuẩn bị thêm:
-       Gừng tươi: 1 lát vừa
-       Hành hoa (cắt lấy phần gốc trắng dài khoảng 7 – 8 cm): 2 cây mập
-       Và đương nhiên là vịt: 1 con khoảng 1,7 – 1,8 kg
Chế biến:
Bước 1:
-       Vịt mổ moi, rửa sạch để ráo nước.
-       Dùng pump air bơm khí vào dưới da vịt qua một lỗ nhỏ ở cố, công đoạn này giúp tách lớp da vịt ra khỏi lớp mỡ, làm cho con vịt căng tròn, khi quay da sẽ giòn hơn.
-       Cho nguyên liệu 1 + 1 lát gừng tươi + 2 phần gốc trắng hành hoa vào bên trong bụng vịt. Dùng que tăm hoặc thanh tre nhỏ xâu kín moi vịt lại sao cho sốt bên trong bụng vịt không chẩy ra ngoài được.
Đến đây là đã xong công đoạn 1 là công đoạn phải chờ đợi lâu nhất. Để vịt trong tủ lạnh 24 tiếng. Có thể treo vịt trong tủ lạnh giống các nhà hàng chuyên nghiệp nếu có điều kiện hoặc để vịt vào một cái khay to, bọc kín cho vào ngăn mát tủ lạnh (chẳng biết bọc kín vịt thế có đúng không nữa nhưng vẫn phải làm thế để tránh mùi và tránh làm bẩn sang các đồ ăn khác trong tủ lạnh).
Công đoạn này nếu phải chờ đợi thì sẽ hết kiên nhẫn mất nên nếu định ăn món này thì tốt nhất là nên chuẩn bị công đoạn này từ hôm trước, nhét tủ lạnh đến hôm sau giở ra làm tiếp công đoạn hai, ba…Làm như vậy bạn sẽ thấy nhàn hạ và không sốt ruột vì chờ đợi.
Bước 2:
-       Đổ nước vào nồi, cho nguyên liệu 2 vào đun sôi, đun kỹ một chút cho nguyên liệu thôi đều ra nước bạn sẽ được một nồi nước rất thơm (Nếu không có các nguyên liệu này thì chỉ cần nhúng vịt vào nước sôi là được).
-       Nhanh tay nhúng vịt vào nước thơm và dùng muôi dội đều nước lên khắp mình vịt, lật qua lật lại con vịt cho thấm đều nước thơm, công đoạn này phải làm rất nhanh tay, chỉ trong 30 – 45 giây thôi, phải khéo léo tránh để da vịt bị chín. Mình đã tự hỏi không biết công đoạn này có tác dụng gì, nhưng rất thú vị vì bạn sẽ thấy da vịt phồng lên, căng ra, con vịt trở lên tròn trịa đầy đặn hơn, mặt khác nước thơm sẽ giúp vịt sạch sẽ hơn sau một khoảng thời gian dài để trong tủ lạnh và cũng làm cho da vịt có mầu đẹp hơn.
Bước 3:
-       Mạch nha dẻo quánh nên sẽ rất khó trộn, dùng nước nóng trộn  đều với mạch nha cho mạch nha tan đều ra trước , sau đó cho các nguyên liệu nhóm 3 còn lại vào trong hỗn hợp, trộn đều nguyên liệu nhóm 3 (Công đoạn này nên tranh thủ làm trong lúc đun nguyên liệu nhóm 2, vì ngay sau khi nhúng vịt vào nước thơm bạn sẽ phải chuyển qua bước tẩm ướp nguyên liệu nhóm 3 cho vịt luôn).
-       Dùng muôi dội đều hỗn hợp lên khắp mình vịt, để vịt ráo một lúc lại tiếp tục làm thêm lần nữa, làm như vậy nhiều lần cho đến khi hỗn hợp hết.
-       Để vịt trong vòng 5 tiếng đồng hồ cho da vịt khô, tốt nhất là phải để sao cho vịt ráo nước, có thể treo hoặc để vịt trên vỉ nướng có khay hứng nước phía dưới, có thể dùng quạt thổi cho da vịt mau khô. Khi da vịt khô và căng phồng lên là được.
Tiếp tục bước 4, là bước rất quan trọng: quay vịt
-       Quay vịt đúng là bước rất rất quan trọng vì khi ra lò chú vịt có mầu lông gì là quyết định ở công đoạn này. Da vịt được tẩm khá nhiều nguyên liệu dễ cháy như mật ong, mạch nha nên khi nướng chú ý đặt nhiệt độ và thời gian thích hợp. Mỗi lò nướng đều sẽ khác nhau nên nhiệt độ và thời gian mình đặt ở đây chỉ nên tham khảo, nên canh lò để set được nhiệt độ và thời gian nướng thích hợp với lò của mình... chắc sẽ phải mất một vài lần làm chuột bạch đấy… Buổi đầu làm món này mình cũng đã cho ra đời một chú vịt có mầu lông rất xấu xí…
-       Ngon nhất chắc phải nướng bằng lò chuyên dụng nhưng mình nướng bằng lò nướng gia đình, nghĩa là không treo vịt để nướng giống các nhà hàng chuyên nghiệp được mà đặt nằm con vịt trong lò để nướng. Đặt vịt trên vỉ khi nướng để mỡ và nước tiết ra từ vịt luôn chẩy xuống khay hứng bên dưới đảm bảo vịt luôn được khô ráo trong suốt quá trình nướng. Không đặt vịt sát giàn lửa quá, với lò nướng gia đình thì đặt vỉ nướng ở rãnh sát dưới cùng là thích hợp (rãnh dưới cùng để khay hứng mỡ).

Nhiệt độ và thời gian nướng:

-       Lần 1: 150 độ C - 20 phút
-       Lần 2: Sau đó tăng nhiệt độ lên: 160 độ C - 20 phút
-       Lần 3: Lật vịt tiếp tục nướng: 160 độ C - 15 phút

-       Nướng vịt xong, tắt lò, tiếp tục để vịt trong lò thêm 10 phút nữa.
-       Bỏ vịt ra để nguội 30 phút trước khi lọc thịt hoặc chặt (cách ăn phổ biến của người Việt mềnh vẫn là chặt), không nên chặt ngay vì dễ bị nát thịt và nước ngọt trong vịt sẽ chảy ra.
-       Trước khi chặt nên cắt phần khâu ở moi vịt, đổ nước gia vị trong bụng vịt ra một bát riêng, nước gia vị này pha thêm một chút giấm đường làm nước chấm vịt rất ngon.



Cho nguyên liệu 1 + 1 lát gừng tươi + 2 phần gốc trắng hành hoa vào bên trong bụng vịt.


Dùng que tăm hoặc thanh tre nhỏ xâu kín moi vịt lại sao cho sốt bên trong bụng vịt không chẩy ra ngoài được.


 Đun nguyên liệu 2


Đun kỹ một chút cho nguyên liệu thôi đều ra nước bạn sẽ được một nồi nước rất thơm.


Nhanh tay nhúng vịt vào nước thơm và dùng muôi dội đều nước lên khắp mình vịt, lật qua lật lại con vịt cho thấm đều nước thơm, công đoạn này phải làm rất nhanh tay, chỉ trong 30 – 45 giây thôi, phải khéo léo tránh để da vịt bị chín.


Sau khi được tắm nước nóng chú vịt trở thành căng tròn thế này. 

 

Dùng muôi dội đều hỗn hợp 3 lên khắp mình vịt, để vịt ráo một lúc lại tiếp tục làm thêm lần nữa, làm như vậy nhiều lần cho đến khi hỗn hợp hết.


Thursday, December 20, 2012

Vịt quay da giòn với sốt mayonnaise


Nguyên liệu:
-       Vịt, ngan hoặc gà: 1 con khoảng 1,7 – 1,8 kg, gà thì chọn con khoảng 1,3- 1,4 là vừa. Lưu ý chọn vịt (ngan) non gà già. Vịt (ngan) quay mà chọn phải con già thịt  sẽ bị dai còn gà mà lại chọn phải gà non khi quay hay bị nát thịt. Vịt (ngan) chọn con vừa phải chắc thịt, con to quá nhiều mỡ hoặc gầy nhỏ quá đều không ngon. Gà thì ngon nhất là chọn con đã đẻ 1 -2 lứa thịt giòn.
-       Sốt mayonnaise: đủ dùng
-       Xì dầu: đủ dùng
-       Mì chính, đường, dầu ăn: đủ dùng
-       Chanh: 1 -2 quả

Chế biến:
-       Vịt rửa sạch để ráo nước.
-       Làm sốt: (xem thêm bài thịt bò cuốn và bài đậu phụ sốt mayonnaise)
     Xì dầu + mayonnaise + mì chính  + đường + nước cốt chanh.
     cho hỗn hợp trên vào bát, dùng thìa đánh đều hoặc muốn có sốt mượt hơn (vì  Mayonnaise khó tan) có thể cho hỗn hợp sốt vào một lọ nhỏ, đậy nắp, lắc kỹ cho đến khi sốt thật mượt.
     Lưu ý chỉ dùng ít đường vì sốt có đường sẽ làm vịt dễ bị cháy khi quay.
-       Phết sốt lên toàn bộ con vịt cả bên trong và bên ngoài, để khoảng 30 phút cho ngấm, giai đoạn để ngấm này càng lâu càng tốt nên nếu có thời gian thì có thể để lâu hơn.
-       Trước khi cho vào lò nướng phết lại lên bề mặt da một lần nước sốt, và một phần rất quan trọng giúp cho da vịt không bị khô khi nướng là phết lên toàn bộ bề mặt da một lớp dầu ăn.
-       Cho vịt lên vỉ nướng, để vịt gần với giàn nướng.
-       Có thể chuẩn bị sẵn một ít rau củ xếp vào khay nướng để dưới, khi nướng nước thịt và mỡ tiết ra từ vịt sẽ làm chín rau củ rất thơm ngon: khoai tây, khoai lang, cà rốt, cà chua… tùy thích.
-       Nướng lần 1:  Bật lò 250 độ C  - 20 phút
-       Mở lò, phết thêm sốt và một lớp dầu ăn lên bề mặt da vịt, lật vịt, tiếp tục nướng lần 2: Bật lò 250 độ C - 20 phút
-       Mở lò, lật vịt, nướng lần 3: 250 độ C  - 10 phút
-       Mở lò, lật vịt, nướng lần 4: 250 độ C  - 5 phút

    Xong… bây giờ chỉ việc lấy vịt ra và măm.

Yêu cầu thành phẩm:
Vịt quay ngon phải có da giòn căng đều và có mầu vàng óng, thịt mềm chín đều và thơm ngon.

 

 

Tuesday, November 27, 2012

Lòng gà xào dứa

Không phải là món ăn quá lạ quá đặc biệt, lại cực kỳ đơn giản trong chế biến, nhưng lòng gà xào dứa lại rất ngon, rất đưa cơm đấy…
Công thức này cũng có thể áp dụng để chế biến với tim cật lợn.

Nguyên liệu:

-    Lòng gà ( đủ bộ: lòng, mề, tim, gan): 2 bộ
-    Dứa : ½ quả
-    Nấm hương: 10 cái (có thể dùng nhiều hơn tùy khẩu vị)
-    Hành khô: 2-3 củ
Cách làm:
-    Lòng gà rửa sạch, thái nhỏ.
-    Dứa, hành khô cắt lát mỏng.
-    Nấm hương ngâm nở, rửa sạch, cắt bỏ chân, để nguyên cái.
-    Phi 2/3 chỗ hành khô, cho lòng gà vào xào, nêm gia vị mì chính, tiếp tục xào đến khi lòng cạn hết nước, săn lại là được, trút ra để riêng.
-    Phi 1/3 chỗ hành khô còn, cho dứa và nấm hương vào xào, khi dứa chín mềm, săn khô mặt thì cho lòng gà vào, đảo đều, nêm gia vị mì chính rồi nhanh tay bắc ra.

Yêu cầu thành phẩm: Món xào khô nước, lòng gà thơm, săn.

Friday, October 29, 1999

Gà rán ngũ vị hương

Gà rán không nên chọn gà già. Chọn con to vừa phải, mình mỏng, hơi mỡ một chút là ngon nhất. Gà to và nạc quá món rán sẽ bị khô không ngon.
Nguyên liệu:
-       Gà ta: 1 con khoảng 1,2 – 1,3 kg ( gà làm rồi)
-       Ngũ vị hương: đủ dùng
-       Nước mắm: đủ dùng
-       Đường (có thể dùng mật ong): đủ dùng
-       Chanh: 1 quả
-       Hành khô, tỏi khô băm nhỏ: vài tép mỗi loại
-       Mì chính, dầu ăn: đủ dùng
Chế biến:
-       Gà làm sạch, chặt miếng to khoảng ½ bàn tay.
-       Ướp vào gà các gia vị sau: Hành khô băm, tỏi khô băm, nước cốt chanh, một chút đường, mì chính, nước mắm, ngũ vị hương. Đảo đều cho gia vị ngấm đều, để như vậy khoảng 20-30 phút cho gà ngấm gia vị.
-       Cho dầu ăn vào chảo để nóng già, vặn lửa vừa, cho gà vào rán giòn, khi miếng gà chín vàng đếu hết bề mặt là được.
-       Ăn nóng, chấm mắm chanh hoặc chanh ớt rất ngon.

Món gà rán rất đơn giản như vậy nhưng cũng cần lưu ý một số điểm sau:

·         Gà rán ngon nhất là rán ngập dầu, còn nếu muốn tiết kiệm dầu ăn giống mình thì vẫn có thể rán bình thường, cho nhiều dầu ăn một chút cho da gà vàng đẹp không bị dính chảo.
·         Gà rán ướp bằng nước mắm sẽ thơm ngon hơn ướp bằng gia vị/ muối.
·         Khi cho gà vào rán sẽ còn dư lại phần gia vị mắm muối ướp gà, không nên đổ phần nước ướp gia vị này đi, có thể đổ vào chảo đun cùng gà, làm vậy gà sẽ ngấm mắm muối gia vị đậm đà hơn.
·         Hành băm tỏi băm nhanh bị cháy nên khi cho gà vào chảo rán gạt bỏ lại phần tỏi băm hành băm, khi rán gà gần xong mới cho phẩn hành tỏi băm này vào rán cùng, khi hành tỏi băm chín vàng mà gà vẫn chưa được nên dùng đũa gắp phần hành tỏi này ra trước tránh để bị cháy làm ảnh hưởng đến chất lượng món ăn.
·         Cần lưu ý gà tẩm đường đặc biệt là tẩm mật ong rất dễ bị cháy, rán lửa vừa đảm bảo cho gà chín trước khi phần da gà bị sém, nếu đun to lửa quá nhiều khi gà vàng bên ngoài rồi mà thịt gà vẫn chưa chín. Phần này cần đặc biệt lưu ý khi không rán ngập dầu phần da gà luôn tiếp xúc với mặt chảo.