AdSense

Total Pageviews

Showing posts with label Cooking. Phở. Show all posts
Showing posts with label Cooking. Phở. Show all posts

Sunday, April 20, 2014

Phở xào kiểu Thái - Pad See ew

Phở xào kiểu Thái là món ăn khá nổi tiếng của người Thailand, nguyên liệu để làm món này khá đa dạng có thể làm phở xào gà, xào thịt, xào tôm tùy thuộc vào khẩu vị và sở thích của mỗi người.
Nhà mình hay ăn phở và sau mỗi bữa phở đó bao giờ cũng còn thừa lại khá nhiều bánh, bánh phở để tủ lạnh hôm sau mang ra xào càng ngon vì lúc này sợi phở đã se và dai hơn…và mình thường làm Pad See ew mỗi khi cần giải quyết chỗ bánh phở thừa đó, tùy hứng mà chế biến… nhiều khi chỉ là Pad See ew không người lái thôi nhưng vẫn rất tuyệt vời.
Bánh phở dùng cho món này nên chọn loại to sợi - to hơn rất nhiều so với bánh phở thông thường. Nếu dùng bánh phở tươi bạn nên đặt trước với người bán yêu cầu họ thái sợi to hoặc mua bánh phở cuốn về tự thái theo ý mình  vì loại bánh thái sẵn sợi rất nhỏ. Dùng bánh phở tươi là ngon nhất tất nhiên rồi, tuy nhiên nếu không có bánh tươi thì có thể dùng loại bánh phở khô và cũng nên chọn loại sợi to.
Phở xào kiểu Thái đặc biệt chính là do ở cách gia giảm, hắc xì dầu và dầu hào làm nên sự khác biệt cho món ăn đồng thời nó làm cho từng sợi phở có mầu nâu sẫm láng bóng rất hấp dẫn.
Và một lưu ý không hề nhỏ nữa là xào mẻ nhỏ (small batches), xào mẻ nhỏ luôn là bí quyết để có món xào ngon.


Nguyên liệu:

-       Bánh phở sợi to (Sen yai/ Wide rice noodles) : 300 gam
-       Thịt gà/ thịt lợn/ tôm tươi tùy thích: 200 gam
-       Trứng: 1 quả
-       Rau xanh các loại: đủ dùng
-       Giá: đủ dùng
-       Hành tây củ vừa: ½ củ
-       Cà rốt củ vừa: ¼ củ
-       Tỏi khô bằm nhuyễn: 1 củ
-       Hắc xì dầu (dark soy sauce): đủ dùng
-       Dầu hào (Oyster sauce): đủ dùng
-       Nước mắm/ xì dầu (light soy sauce): đủ dùng
-       Dầu ăn: đủ dùng
-       Đường: đủ dùng
-       Giấm: đủ dùng
-       Tiêu xay: đủ dùng
-       Ớt tươi xay nhuyễn: đủ dùng

Sơ chế:

-       Tùy sở thích bạn có thể chế biến món Phở xào gà/ xào thịt hay xào tôm, đôi khi bạn cũng có thể làm món xào thập cẩm nghĩa là dùng mỗi loại nguyên liệu một ít hoặc thậm trí là món xào không người lái cũng rất ngon: Thịt gà phi lê thái miếng mỏng/ thịt lợn thái miếng mỏng/ tôm tươi bóc nõn làm sạch. Thịt/ tôm sau khi đã xơ chế ướp với một chút nước mắm và tiêu để ngấm.
-       Rau có thể dùng nhiều loại tùy sở thích: cải chíp/ cải ngọt/ súp lơ xanh/ xúp lơ trắng…Các loại rau rửa sạch, cắt khúc 4 – 5 cm, nếu dùng súp lơ thì thái miếng vừa ăn.
-       Trong cách chế biến truyền thống của người Thái món này họ hay dùng một hay một vài loại rau củ nói trên, nhưng đi ăn ở các nhà hàng Thái ở Việt Nam thì lại thấy họ hay cho thêm một chút hành tây, cà rốt thái chỉ và đặc biệt là một chút giá, rất ngon: Hành tây, cà rốt thái chỉ, giá rửa sạch để ráo nước.
-       Bánh phở tươi chần qua nước sôi để ráo nước (tham khảo bài phở bò). Nếu dùng bánh phở khô thì ngâm nước nóng khoảng 10 - 15 phút cho bánh phở mềm.
-       Nước sốt: hòa tan hỗn hợp hắc xì dầu + dầu hào + nước mắm/ xì dầu + giấm + đường + ớt xay. Tùy khẩu vị để nêm nếm, nếu muốn nổi vị nào hơn thì có thể nhấn mạnh hơn ở vị đó tuy nhiên đặc trưng của món Thái là rất cay và nổi vị ngọt.

Chế biến:

-       Chảo dầu nóng già phi thơm tỏi, để lửa to, cho thịt/ tôm vào xào chín, xúc ra để riêng.
-       Chảo dầu nóng già, để lửa to, đập trứng vào chảo, lật hoặc đảo để bác trứng, có thể bác trứng hơi sém mặt một chút sẽ thơm hơn, trút ra bát để riêng.
-       Chảo dầu nóng già, để lửa to, cho rau vào xào tái, trút ra đĩa để riêng.
-       Chảo dầu nóng già, để lửa to, cho bánh phở vào xào. Đối với món này thì xào bánh phở có lẽ là công đoạn khó hơn cả, cần nhẹ tay lật để bánh phở không bị nát, có thể quăng chảo để lật (toss) hoặc dùng dụng cụ gắp (spatula) dụng cụ lật  nhẹ nhàng lật bánh từ trên xuống dưới tránh để bánh phở dính vào nhau và bị nát. Lúc này bắt đầu nêm hỗn hợp nước sốt vào, tiếp tục lật nhẹ tay, có thể để bánh phở hơi sém mặt một chút rồi lại tiếp tục lật cho đến khi bánh phở săn quyện đều sốt thì bắt đầu cho thịt/ tôm xào, các loại rau, trứng vào xào cùng, nêm nếm lại vừa ăn.
-       Bước cuối cùng là cho cà rốt, hành tây và giá vào đảo đều, rắc tiêu.
-       Trút ra đĩa ăn nóng. Có thể ăn kèm chanh/dấm ớt, tương ớt.

Yêu cầu thành phẩm:


Phở mềm không nát, nước sốt thấm đều bao quanh sợi phở, sợi phở săn có mầu nâu sậm láng bóng hấp dẫn.

Saturday, February 22, 2014

Phở bò tái chín



Nguyên liệu (10 bát phở):

-       Xương lợn/xương bò, ngon nhất là dùng xương ống xương hom hoặc xương bay cho nước dùng ngọt và trong, kế đến có thể dùng xương cục: 500 gam
-       Thịt bò bắp/ nạm (gầu bò)/ thịt tảng/ ụ vai: 700 – 800 gam
-       Thịt bò thăn/ mông: 400 - 500 gam
-       Bánh phở: 1,7 kg – 2 kg
-       Gừng tươi: 1 củ khoảng 100 gam
-       Hành khô: 5 củ
-       Quế (Cinnamon bark): 1 thanh vừa
-       Hồi (Star Anise): 5 cánh
-       Thảo quả (Cardamon): 2 - 3 quả
-       Gói vị phở: 1 - 2 gói
-       Hành củ tươi: đủ dùng
-       Hành lá, húng: đủ dùng
-       Chanh/ dấm tỏi ớt: đủ dùng
-       Ớt chưng/ tương ớt
-       Tiêu xay
-       Quẩy: đủ dùng

Chế biến:

Chuẩn bị nguyên liệu

-       Thịt bò dùng để làm bò chín có thể chọn thịt bắp, nạm (gầu bò), gân, thịt tảng, ụ vai… tùy khẩu vị, nếu muốn ăn bò nạc hẳn thì chọn bắp, nạc mông, nạc vai, còn nếu muốn miếng thịt có dắt lẫn diềm mỡ hoặc gân thì có thể chọn ụ vai, nạm, gầu...
-       Thịt bò rửa sạch dùng dây bó chặt lại, bó thịt như vậy giúp cho thịt bò sau khi luộc sẽ được chắc thịt.

Nước dùng:

-       Đối với món phở thì quan trọng nhất và cũng khó nhất là chế biến nước dùng, nước dùng yêu cầu phải trong thanh ngọt thơm mùi thảo quả quế hồi và có mùi vị đặc trưng. Cách chế biến nước dùng phở bò tương tự như cách chế biến nước dùng trong bài “phở gà” bạn có thể tham khảo. Mình có một số lưu ý nhỏ đối với nước dùng phở bò thế này: (1) mùi vị phở bò mạnh hơn (strong) mùi vị phở gà nên nước dùng phở bò sẽ sử dụng nguyên liệu quế hồi thảo quả nhiều hơn, (2) Không dùng xương gà như trong bài phở gà, (3) dùng xương bò sẽ cho nước dùng có mùi vị đặc trưng hơn là dùng xương lợn.
-       Mình đã giới thiệu cách nấu nước dùng bằng nồi thường trong bài “phở gà”, trong bài này mình sẽ giới thiệu cách nấu nước dùng bằng nồi áp suất - dạo này mình hay dùng nồi áp suất tiết kiệm thời gian cũng như tiết kiệm gas nên món gì cần ninh nấu là mình hay dùng nồi áp suất.
-       Xương chặt nhỏ rửa sạch, nên lọc sạch hết thịt và mỡ bám ở xương, chần qua xương để khử mùi hôi (đun nước sôi cho xương vào đun sôi sục trong 3 - 5 phút rồi rửa sạch lại), cho xương vào nồi áp suất.
-       Thịt bò sau khi đã bó chặt cho vào nồi áp suất để ninh cùng xương.
-       Cho nước đủ dùng, bật chế độ hầm 55 – 60 phút.
-       Sau khi đã hết thời gian đặt, đợi cho nồi áp suất tự xì hơi áp suất trong nồi giảm xuống, mở nồi vớt thịt để riêng ra đĩa cho nguội còn nước dùng thì chút riêng vào một nồi to khác. Đến đây chắc các bạn sẽ ngạc nhiên vì tại sao đang từ nồi áp suất lại phải chuyển sang nồi khác, thực ra dùng nồi áp suất chỉ nhằm giúp cho xương và thịt mau nhừ rút ngắn thời gian chế biến đồng thời tiết kiểm gas nhưng món phở yêu cầu nước dùng phải luôn nóng, luôn luôn sôi khi chan vào bát phở nên mình chút ra nồi khác để đun nóng trên bếp gas đồng thời giúp dễ dàng nêm nếm gia giảm hơn (nồi áp suất thì luôn kín mít), nghe thì có vẻ cầu kỳ và rườm rà thế thôi nhưng thực ra chỉ là một thao tác nhỏ.
-       Gừng, hành khô, quế, hồi, thảo quả nướng vàng rửa sạch, cạo sạch phần cháy nếu có rồi đập dập thả vào nồi nước dùng hoặc cẩn thận hơn có thể cho tất cả các nguyên liệu này vào một túi vải nhỏ buộc chặt rồi thả vào nồi nước dùng, làm như vậy đảm bào nước dùng vẫn thơm ngon mà các vụn nguyên liệu không bị lẫn vào nước dùng.
-       Đặt nồi nước dùng lên bếp gas, đun sôi, nêm gói vị phở vừa ăn.

 Bò chín:

Thịt bò sau khi đã luộc chín phải để cho thật nguội trước khi thái có như vậy miếng thịt mới chắc lại giúp thái được mỏng hơn. Thái thịt miếng mỏng to bản.

Bò tái:

-       Thịt bò thăn/ mông thái mỏng, ướp một chút vị phở + gừng giã nhỏ + một chút dầu ăn (cho mềm), để 15 – 20 phút cho bò mềm và ngấm gia vị.
-       Dùng một giỏ lưới, thả giỏ vào nồi nước dùng, cho thịt bò vào bên trong giỏ để nhúng, dùng đũa đảo đều thịt bên trong giỏ. Tùy khẩu vị bạn có thể nhúng bò tái hoặc nhúng cho chín kỹ hẳn.
-       Có thể nhúng từng bát giống ngoài hàng hoặc nhúng hết rồi để riêng ra bát.

Chần bánh phở

Pha nước nóng già tay, thả bánh phở vào chần, dùng đũa khoắng đều cho bánh phở tơi ra, đổ ra rổ để ráo nước.

Chế biến phở:

-       Hành củ tươi hoặc phần gốc trắng của hành hoa cắt lóng dài, chẻ làm 3, 4 hoặc để nguyên củ chần qua.
-       Hành lá, húng thái nhỏ.
-       Xếp bánh phở vào bát, xếp thịt bò chín lên trên, xếp thịt bò tái lên trên - mỗi thứ xếp riêng vào một góc hoặc xếp lẫn, sau đó xếp lần lượt các loại gia vị khác như hành chần, hành hoa và rau húng lên trên.
-       Vặn lửa to cho nồi nước dùng sôi chở lại, chan nước dùng ăn nóng.
-       Dùng thêm tiêu, chanh ớt hoặc giấm ngâm tỏi ớt (xem bài tỏi ớt ngâm dấm) tùy khẩu vị.
-       Ăn kèm với quẩy.
-       P/s: Mình rất thích ăn phở cơm nguội: bát phở ăn vơi đi một chút hoặc làm bát phở vơi hơn bình thường một chút (ít bánh phở hơn), xúc một vài thìa cơm trộn chung vào bát phở - có thể dùng cơm nóng mới thổi hoặc cơm nguội, cá nhân mình thích ăn cơm nguội hơn. Bạn nên thử ăn cách này một lần nhé biết đâu bạn cũng sẽ thích giống mình!


Tuesday, October 12, 1999

Phở gà

Phở là món ăn phổ biến nhưng để làm được bát phở ngon đòi hỏi phải rất tinh tế trong khâu gia giảm. Phở ngon yêu cầu nước dùng phải ngon: thanh ngọt, trong và thơm mùi quế hồi thảo quả. Nấu nước dùng cũng khá cầu kỳ và mất thời gian vì phải ninh xương trong thời gian hơi lâu, xương nhừ thì nước dùng mới ngọt, nhưng bù lại bạn có thể làm nhiều rồi đóng hộp cất ngăn đá tủ lạnh dùng được nhiều lần.
Hương vị thơm ngon của nước dùng chủ yếu do các loại gia vị quyết định: Gừng và hành khô nướng là hai loại gia vị không thể thiếu được, ngoài ra cũng không thể thiếu mùi thơm của các loại quế hồi thảo quả. Cần lưu ý gói vị phở là tổng hợp gia vị mì chính và các gia vị khác như quế hồi thảo quả…nên về nguyên tắc là đã có gói này rồi thì có thể bỏ qua các nguyên liệu gia vị quế hồi thảo quả chỉ cần nướng gừng hành khô và nêm gói gia vị này là được… ngược lại nếu ko kiếm được gói vị phở này thì có thể dùng các nguyên liệu gia vị kia thay thế, còn nếu kiếm được cả hai loại thì vẫn có thể dùng cả hai với liều lượng mỗi loại giảm đi là được. Trong công thức này mình dùng hai loại gia vị nhé, nên nếu chỉ dùng một loại gia vị thì nên tăng liều lượng lên một chút.
Mùi vị phở gà nhẹ nhàng hơn phở bò nên gia giảm nguyên liệu gia vị cũng ít hơn so với gia giảm phở bò. Không nên cho nhiều hoa hồi quá nước dùng sẽ bị sẫm mầu và hắc.
Nước dùng phở truyền thống hay dùng sá sùng (con trùn biển hay giun biển, sâm đất) cho vào ninh cùng xương cho ngọt nước, không có sá sùng thì có thể dùng mực khô nướng thả vào nồi nước dùng cũng sẽ rất ngọt. Công thức này mình bỏ qua cả hai nguyên liệu này nhé… nước dùng vẫn rất OK.
Nguyên liệu: (10 bát phở)
-       Xương lợn hoặc xương gà (có thể dùng cùng lúc cả hai loại): Xương lợn ngon nhất là xương ống, xương bay cho nước dùng ngọt, kế đến có thể dùng xương cục, nên lọc sạch hết thịt bám ở xương. Xương gà thì không nên dùng xương đầu nhé: 500gam
-       Gà ta nên chọn con chắc thịt ít mỡ: 1 con (khoảng 1,5 kg).
-       Bánh phở: 1,7 kg -2kg.
-       Gừng tươi nướng thơm cạo vỏ đập dập: 1củ (to khoảng 3 ngón tay).
-       Hành khô nướng chín bóc vỏ đập dập: 5 củ.
-       Quế (Cinnamon bark) nướng vàng: 1 thanh.
-       Hồi (Star Anise) nướng vàng: 3 cánh.
-       Thảo quả (Cardamon) nướng vàng: 1 quả.
-       Gói vị phở: 1gói
-       Chanh: đủ dùng.
-       Lá chanh thái chỉ.
-       Ớt chưng hoặc tương ớt.
-       Hành củ tươi: đủ dùng.
-       Hành lá, húng: đủ dùng.
-       Gia vị mì chính: đủ dùng.
-       Quẩy: đủ dùng.
Chế biến:
Nước dùng
-       Xương chặt nhỏ rửa sạch, chần qua xương để tẩy mùi hôi (đun nước sôi cho xương vào chần qua rồi chắt bỏ nước), cho xương vào nồi ninh, đun lửa to đến  khi nước sôi thì vặn nhỏ bếp để lửa liu riu cho nồi nước dùng chỉ sôi lăn tăn xương nhừ từ từ giúp chất ngọt trong xương tan dần vào nước dùng và giữ cho nước dùng được trong (đun lửa to nước dùng sẽ bị đục), vớt bọt thường xuyên.
-       Thả các nguyên liệu gia vị đã xơ chế vào đun cùng.
-       Nêm vị phở và gia vị mì chính đủ dùng.
-       Hớt bọt hoặc nếu cẩn thận có thể lọc nước dùng qua rổ lưới hoặc khăn xô khăn vải để gạn sạch xương vụn làm nước dùng trong hơn.
Sơ chế nguyên liệu gia vị

Chế biến phở
-       Luộc gà, lưu ý không nên luộc kỹ quá thịt gà sẽ mất dai, nhớ cho một chút gia vị vào cho thịt gà đậm đà. Có thể cho gà vào luộc trong nồi nước dùng, phần lòng mề gà cho vào luộc chín.
-       Gà chín vớt ra để nguội, lọc lấy thịt thái miếng mỏng hoặc xé tùy thích, lòng mề gà thái mỏng, phần xương gà có thể cho vào nồi nước dùng ninh.
-       Chần bánh phở: Pha nước nóng già tay, thả bánh phở vào chần, dùng đũa khuấy đều cho bánh tơi ra, đổ ra rổ cho ráo nước.
-       Hành củ tươi hoặc phần gốc trắng của hành hoa cắt lóng dài, chẻ làm 3, 4 hoặc để nguyên củ chần qua.
-       Hành lá húng thái nhỏ.
-       Xếp bánh phở vào bát, xếp thịt gà lên, rải một ít lá chanh lên trên thịt gà, sau đó xếp lần lượt các gia vị khác như hành chần hành hoa và rau húng , chan nước dùng ăn nóng.
-       Dùng thêm chanh và ớt tùy khầu vị.
-       Có thể dùng kèm với quẩy.

Bát phở lòng mề gà hấp dẫn

 Phở gà