AdSense

Total Pageviews

Sunday, March 13, 2016

Ruốc tôm


Nguyên liệu:
-      Tôm: 1 kg
-      Nước mắm: đủ dùng.
-      Gia vị: đủ dùng

Chế biến:
-       Tôm làm sạch bóc nõn. Mình hay mua loại tôm đã bóc nõn phơi  2- 3 nắng (loại giống tôm nõn khô mua ở hàng khô nhưng chưa khô quắt hẳn như thế mà chi khô khoảng 80 - 85% thôi, loại này vẫn cần bảo quản ngăn đá tủ lạnh) làm rất thơm ngon mà tiện.
-       Bắc chảo lên bếp cho tôm vào đảo đều, cho một chút nước mắm vào đảo cùng cho thơm sau đó cho thêm một chút xíu nước vào đảo cho con tôm chín nở mềm ra. Chỉ một chút xíu nước vừa đủ hút hết vào tôm giúp tôm chín nở mềm ra thôi chứ không cho nhiều nước nhé vì nếu chỉ cho nước mắm vào đảo thì khi nước cạn sẽ làm con tôm khô quắt lại ruốc sẽ không bông đẹp.
-       Khi tôm chín cho vào máy xay thịt hoặc máy xay sinh tố xay nhanh tay (tham khảo các bài ruốc thịt lợn, ruốc thịt bò trong blog).
-       Cho ra bếp để lửa nhỏ, sao đều tay, nêm lại gia vị hoặc nước mắm vừa ăn, đảo đều cho đến khi thấy ruốc tôm khô mặt, bông lên, mầu hơi sẫm xuống là được, không nên rang khô quá ruốc bị xác ăn không ngon.

-       Cho vào hộp/ lọ đậy nắp kín để tủ lạnh ăn dần.

Friday, March 11, 2016

Buta Kakuni



Mình biết đến món ăn này trong một lần đi công tác, không nhớ là nước nào, cả team rủ nhau đi ăn Ramen Nhật. Hôm đó cả nhóm rủ nhau vào một nhà hàng chuyên chỉ bán Ramen, mình không nhớ tên nhà hàng là gì cũng không nhớ món Ramen hôm đó bọn mình ăn có tên là gì, chỉ nhớ là mình có ấn tượng khá mạnh với món đó và miếng thịt mầu sắc cũng như hương vị của nó hao hao giống món thịt kho tầu của Việt Nam mình. Hôm đó tình cờ thế nào mà lựa chọn của cả nhóm lại giống hệt nhau, cùng chọn đúng một loại ramen đó, duy chỉ khác nhau ở nước dùng (béo hay trong) thôi, mọi người lục tục chọn nước dùng và hỏi mình chọn nước dùng trong hay nước dùng béo, mình chọn đại “nước béo” (thick broth)… Trời ơi họ mang ra một tô mỳ to, nước dùng thì eo ơi đúng là béo thật… nó có một lớp nước béo dầy (thick) nổi phía trên bát, đúng là “thick” có khác... Mình nhớ là hôm đó một số người trong nhóm trong đó có mình không ăn hết bát Ramen vì nó rất ngon… nhưng beéo quá...ấn tượng mãi với món ăn này.

Sau đó mình bắt đầu thấy nhớ món ăn và muốn học cách chế biến, vấn đề là mình không hề có một manh mối nào để search tìm thông tin về nó cả: tên nhà hàng không nhớ, tên món ăn không nhớ, mess hỏi các đồng nghiệp xem có ai nhớ món Ramen hôm đó tên là gì không cũng không ai nhớ cả, chỉ mỗi một điều mình nhớ đinh ninh là miếng thịt kể cả về hình dạng kích cớ, mầu sắc và mùi vị của nó đều hao hao giống món thịt kho tầu của Việt Nam.

Rất nhiều lần mình đã search tìm món ramen này, search bằng hình ảnh, cứ thấy món nào có hình hao hao giống là lật vào xem nhưng đều không có kết quả, có lẽ món này giờ ít người làm. Có những lần làm thịt kho tầu xong mình cũng đã thử dùng để nấu mỳ xem có giống không thì thấy đúng là nó khá giống nên bụng bảo dạ thôi không sao khi nào thèm thì nấu Ramen với thịt kho tầu là OK rồi...May mắn mình lại tìm được công thức, thì ra món Ramen mình ăn năm đó là Black Kakuni Ramen.

Vậy là bắt tây vào làm Buta Kakuni (Japanese braised Pork Belly). Món này đúng là hao hao giống món thịt kho tầu của Việt Nam thật, chỉ có một điểm khác nhau căn bản là Buta Kakuni dùng gừng và rượu nấu trong thành phần gia vị còn thịt kho tầu thì không dùng hai thứ đó nhưng lại dùng nước dừa.

Mình vừa chuyện phiếm với cô bạn người Nhật, dưới đây là đoạn chat của mình với cô bạn ấy:

Chi Thi Linh Tran 1:53 PM
btw, do you know what is the different beteen buta kakuni and buta no kanuki? -
two kinds of Japanese food?
Kiyomi Tsuchida 1:55 PM
I guess the same, 
Chi Thi Linh Tran 1:56 PM
hihi, have you ever cooked them
Kiyomi Tsuchida 1:57 PM
cook the cutting port well on slow fire . 
Chi Thi Linh Tran 1:57 PM
What is its correct name: Buta Kakuni, buta no Kakuni or Kakuni?
Kiyomi Tsuchida 1:58 PM
buta = pork, kakuni - cook cubic cutting on slow fire. 
no= of - english
Chi Thi Linh Tran 1:59 PM
Owh interesting! thank you
Kiyomi Tsuchida 2:11 PM
I sent recipe
Chi Thi Linh Tran 2:11 PM
thank you

Cô bạn còn search tìm công thức và dịch sang tiếng Anh cho mình với kèm theo một lời nhắn rất đáng yêu “tao còn dùng thêm nhiều gừng nữa nhé”! hihi

 Material:

 Ginger  one piece / soy sauce  4 x table spoon  / suger  3 x table spoon, / Sake 2 x table spoon / honey 1 x table spoon. Water – 200cc

Cooking:
Please use the pressure cooker
Cut the pork into cubic 3cm or 4 com => sautee in frying pan until turned nice and brown.
After that, put them into pot until soaking all.  5 or 10 min stew. Pick up / clean up scum.
After that, put the meat into the pressure pan with seasoning (above ), cook for  about 20 min.

                        

Chuyện dông dài tý cho vui còn bây giờ mình bắt đầu làm Buta Kakuni nào!

Nguyên liệu
-      Thịt ba chỉ hoặc nạc vai, dùng thịt ba chỉ là ngon nhất nhưng nếu trong nhà có người không ăn được thịt mỡ thì có thể dùng nạc vai, chọn chỗ rắt nhiều mỡ, thịt nạc quá không ngon: 500 gam
-      Gừng: đủ dùng
-      Nước tương soy sause: đủ dùng
-      Rượu sake/ rượu nấu/ rượu trắng: 1 thìa canh, lưu ý chỉ dùng it để ướp vào thịt cho thơm chứ không nên dùng nhiều rượu, món ăn có mùi rượu không ngon.
-      Đường: 2 -3 thìa cà phê.
-      Dầu hào: 2 thìa cà phê, dùng dầu hào giúp món ăn có độ bóng đẹp, nước dùng sánh đẹp.
-      Hắc xì dầu: đủ dùng. Dùng để lấy mầu giúp món ăn lên mầu nâu sẫm bóng đẹp, vì mặc dù nước tương cũng có mầu nâu nhưng không đủ làm lên mầu cho món ăn.
-      Phần gốc trắng hành hoa: đủ dùng

Chế biến:
-       Thịt rửa sạch cắt miếng vuông to bản.
-       Gừng giã nhỏ, phần trắng hành hoa cắt khúc, trộn đều vào ướp thịt.
-       Tiếp tục cho các gia vị sau vào ướp cùng thịt: Rượu, Soy sauce, đường, dầu hào, hăc xì dầu. Trộn đều thịt với các lại gia vị để một lúc cho ngấm.
-       Vặn bếp lửa to, cho thịt lên chảo đảo qua cho thịt thơm, xém cạnh.
-       Trút thịt vào nồi hoặc nồi áp suất, cho nước vào đun đến khi thịt chín nhừ là được.
-       Nêm lại gia vị, bắc ra ăn nóng hoặc để tủ lạnh ăn dần đều ngon, người Nhật thường dùng món này với cơm hoặc mỳ Ramen.


Monday, October 26, 2015

Canh Natto súp Miso rong biển



Nguyên liệu:

-         Rong biển khô Wakame: 25 gam, có thể dùng rong biển tươi.
-         Natto: 200 gam
-         Thịt nạc lợn băm nhỏ hoặc thái mỏng: 200gam. Có thể thay thế bằng xương lợn - xương cục, xương sườn: 500gam, cũng có thể dùng thịt bò - nạc mông, thăn hoặc dẻ sườn, nên ướp thịt bò với chút gừng bằm, tỏi bằm: 300 gam.
-         Miso: 2-3 thìa canh tủy khẩu vị, nếu thích ăn đậm vị Miso thì cho nhiều hơn.
-         Đậu phụ hoặc đậu phụ non: 2 cái
-         Gia vị mắm muối: đủ dùng.
-         Hành lá cắt khúc nhỏ.

Chế biến:

-         Cho một chút mỡ vào nồi, cho thịt vào xào thơm sém cạnh, cho nước vào ninh nhừ thịt cho ngọt nước, làm tương tự nếu dùng xương hoặc thịt bò, đối với thịt bò hoặc xương lợn nên ninh bằng nồi áp suất nhanh hơn.
-         Khi nước dùng được cho miso vào, quấy đều cho miso tan hết trong nước.
-         Rong biển ngâm nước cho nở, cắt  miếng vừa ăn.
-         Đậu phụ cắt miếng hoặc bóp nhuyễn.
-         Khi  nước dùng được thả Natto, rong biển và đậu phụ vào, đảo đều, chỉnh lửa to đun sôi lại khoảng 3 - 5 phút cho rong biển chín tới, không nên nấu kỹ quá rong biển sẽ bị nhũn mất đi độ giòn và đun lâu cũng không tốt cho natto vì sẽ làm các Vitamin có trong Natto bị phân hủy.

-         Nêm gia vị đủ dùng, múc canh ra ăn nóng.

Sunday, October 11, 2015

Natto homemade



Natto là những hạt đậu nành đã luộc chín được ủ với Enzim (Bacillus natto) ở một môi trường 40oC trong vòng 14-18 giờ để lên men thành những hạt đậu có màu nâu, độ nhờn nhớt cao, có mùi nồng nặc rất khó chịu với người không quen. Theo kinh nghiệm của nhà sản xuất cho biết khi độ nhớt càng cao thì chất lượng Natto càng tốt và vị càng ngọt. Là một món ăn dân dã rất phổ biến ở nông thôn Nhật bản, họ thường ăn cơm sáng với Natto, nước tương, rong biển phơi khô (Nori) và trứng gà sống. Natto có chứa nhiều chất bổ dưỡng cho sức khỏe trong đó enzym Nattokinase là một hoạt chất sản sinh trong quá trình lên men Natto được xem là hoạt chất có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các chứng bệnh tim mạch–một phát hiện vô cùng lý thú bởi nhà nghiên cứu sinh lý học Nhật bản nổi tiếng, GS Sumi Hiroyuki vào năm 1980. - Nguồn sưu tầm.
Về mặt lịch sử không ai biết chính xác Natto ra đời khi nào nhưng những nguyên liệu và thành phần cần cho Natto như đậu nành, men trong rơm rạ thì chẳng lạ gì ở Nhật từ ngàn xưa, do đó có thể là từ thời cổ như thời Jomon (khoảng năm 10.000 cho tới 300 trước CN) người ta đã biết cách làm Natto và cũng có thể là nhiều người độc lập với nhau đã cùng tìm ra cách làm Natto. Một thuyết khác và chiếm ưu thế nói rằng tướng Minamoto Yoshiie trong trận chiến vào những năm 1083 ở miền Đông Bắc đã phát hiện ra Natto. Một ngày nọ doanh trại của Yoshiie bất ngờ bị quân địch tập kích trong khi binh sĩ đang nấu đậu nành làm thức ăn cho ngựa. Trong cơn hỗn loạn người ta đã vội vàng cho đậu nành đang nấu dở vào những cái túi rơm và không mở ra trong suốt mấy ngày liền. Khi mở ra thì đậu đã lên men và sinh mùi kỳ lạ. Một người lính ăn thử thấy rất ngon mới trình lên tướng Yoshiie và vị tướng cũng bị cái mùi vị kỳ lạ kia quyến rũ. Một nguồn khác nói Natto được làm trong thời Edo (1603~1867) và cách chế biến được thay đổi nhiều trong thời Taisho (1912~1926) khi những nhà nghiên cứu tìm được cách chiết xuất vi khuẩn Natto kinase mà không cần đến rơm. Phát hiện này đã đơn giản hóa quá trình sản xuất Natto và đạt hiệu quả cao hơn và ngành sản xuất món ăn này đã thay đổi nhiều từ đó. - Nguồn sưu tầm.
Quá trình lên men của  Natto đã tao ra một lượng lớn chất dính bên ngoài mà khoa học gọi tên là MK7. Người ta đánh giá chất lượng Natto qua độ dài của các sợi nhớt (MK7). Dùng đũa gắp một miếng Natto mà sợi nhớt càng dài thì natto càng ngon. Đây là món ăn nhiều dinh dưỡng, dễ làm, không đắt tiền mà mọi người có thể làm tại nhà và không cần phải chế biến thêm khi dùng. Tương tự với Natto thì trên Thế Giới cũng có những món làm từ đậu nành lên men như tương, chao của Việt Nam, tan-shih hay kan-shih (đậu hũ không muối) của Trung Hoa, Joenkuk-jang và Damsue-jang của Đại Hàn, thuanoa ở Thái Lan, Kinema ở Nepal và Sereh ở Bali. Nhưng chỉ có tại Nhật thì người ta mới sử dụng rộng rãi hình thức lên men của đậu nành này. - Nguồn sưu tầm.
Natto tốt cho sức khỏe:
Natto là một món ăn độc đáo của người Nhật. Người Nhật Bản từ hàng trăm năm nay đã duy trì món ăn điển hình truyền thống này nhằm tăng  cường sức khỏe tim mạch và xương cốt. Thật đáng mừng khi các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng Nhật Bản là đất nước có tỉ lệ dân số bị loãng xương, các vấn đề tim mạch thấp nhất trên thế giới.
Người ta nói Natto rất tốt cho sức khỏe dựa vào những nghiên cứu về mặt y khoa. Trong Natto có chứa một thành phần gọi là Pyrazine chẳng những tạo nên cái mùi đặc trưng của natto mà còn ngăn chặn xơ vữa động mạch. Men Natto Kinase còn giúp ngăn ngừa việc tụ huyết, đau tim, tắc mạch và những bệnh về phổi. Người ta cũng chiết xuất thành phần của Natto kinase để chế biến thực phẩm cho người ăn kiêng.
Natto còn chứa nhiều Vitamin K liên quan tới việc nhóm calcium tạo thành xương. Vitamin K1 (phylloquinone) có nhiều trong tảo biển, gan, các loại rau lá xanh và một số thảo dược. Vitamin K2  tồn tại ở vài dạng, phổ biến nhất là menaquinone tổng hợp 4 (MK4) và menaquinone tự nhiên 7 (MK7), MK7 có nhiều trong những thực phẩm lên men như pho mát, miso và Natto. Cứ 100 g Natto cung cấp 870 microgram vitamin K2.
Ngoài ra natto còn chứa nhiều thành phần hóa học ngăn ngừa ung thư như Daidzein, Genistein, Infrabin, … Một vài nguồn còn nói ăn Natto sẽ làm giảm lượng cholesterol trong cơ thể. Người ta cũng nói rằng Natto có công dụng như thuốc kháng sinh và quân đội Nhật đã dùng Natto như thuốc trị bệnh lỵ trong chiến tranh Thế Giới II. Natto còn giúp cải thiện tiêu hóa, chống lão hóa và béo phì. - Nguồn sưu tầm.
Natto tốt cho phát triển chiều cao ở trẻ:
Ngay từ năm 1995, Bộ Y tế Nhật Bản khuyên sử dụng rộng rãi đậu tương lên men như thực phẩm hàng ngày cùng vitamin D, giúp tăng chiều cao cho thế hệ trẻ và bảo vệ xương chắc khỏe. Bởi vì, đậu tương lên men chứa MK7, một loại vitamin K2 duy nhất có nguồn gốc thiên nhiên, giúp vận chuyển Canxi từ máu vào xương tối đa, nhờ đó xương phát triển tốt nhất và Teen có thể chạm mốc 1m80.
MK7 tác động tốt đến việc tạo xương giúp trẻ phát triển chiều cao tối ưu. Điểm đích ban đầu của MK7 sau khi được hấp thụ qua đường tiêu hóa là gan. Toàn bộ nhu cầu MK7 (cho chức năng đông máu) của gan được ưu tiên số 1, khi toàn bộ nhu cầu cho chức năng đông máu đã được đáp ứng, lượng MK7 còn dư sẽ được chuyển tới các mô khác ngoài gan, nơi nó có thể thực thiện chức năng tạo xương của mình. MK7 giúp hoạt hóa protein tạo xương và gắn canxi vào khung xương, MK7 đóng vai trò như một anh điều phối viên, phân luồng để canxi chỉ đính vào xương mà không lắng đọng gây sỏi thận, sỏi tiết niệu.Theo Allison (2000), khi cơ thể thiếu MK7, protein tạo xương dù đã được tạo ra nhưng vẫn không có khả năng gắn và mang canxi vào khung xương do vậy trẻ không cao lớn hết tiềm năng. - Nguồn sưu tầm.
Sau khi tham khảo nhiều tài liệu về Natto mình đã vội vàng tìm mua Natto ở Siêu thị về ăn thử và tìm học cách tự làm Natto, Thực ra Natto làm rất đơn giản và không hề mất nhiều thời gian như ban đầu mình nghĩ mà giá thành lại rẻ vô cùng so với Natto mua sẵn (Natto mua sẵn trên thị trường đa phần cũng là hàng made in Việt Nam).
Nguyên liệu
-      Đậu tương: 300 gam, nên mua loại đậu tương ta hạt nhỏ.
-      Muối hạt: 1 thìa cà phê.
-      Đường nâu/ đường phèn/ đường trắng: 1 thìa cà phê.
-      Cái Natto/ men Natto: Muốn làm Natto phải có cái để lên men (cũng giống như làm sữa chua), bạn có thể dùng Natto thành phẩm để làm cái hoặc có thể dùng men Bacillus Natto. Cái  thành phẩm có thể tìm mua ở các siêu thị hoặc dùng natto thành phẩm tự làm, dùng 10 gam Natto thành phẩm là đủ cho một mẻ.

Chế biến:
-       Đậu tương vo sạch nhặt bỏ những hạt lép hạt thối. Cần phải vo sạch đậu trước khi ngâm để sau khi ngâm xong không phải vo lại nữa tránh làm nát hạt đậu, lưu ý là để nguyên không cần bỏ vỏ đậu.
-       Ngâm đậu trong nước lã khoảng 18 tiếng. Các mẹ phải đi làm cả ngày nên căn giờ thích hợp để ngâm đậu mình thường ngâm từ đêm hôm trước (11h đêm) đến chiều hôm sau đi làm về (5h chiều) bắt đầu chế biến là vừa.
-       Vớt đậu ra rổ để 2 -3 tiếng cho ráo nước, lúc này hạt đậu đã hút no nước vẫn sẽ tiếp tục mềm ra.
-      Hấp đậu trong nồi áp suất: Dùng một vỉ hấp, bên dưới cho một chút nước, cho đậu vào vỉ hấp, bật chế độ nấu 60 phút. (Nếu không có dụng cụ hấp bạn có thể luôc đậu trong nổi áp suất:cho đậu vào nồi áp suất, cho nước sâm sấp, bật chế độ nấu 60 phút) nhưng theo kinh nghiệm của mình thì hấp đậu sẽ cho thành phẩm Natto ngon hơn vì hạt đậu không bĩ sũng nước không b nát và Natto lên men cũng tốt hơn các sợi nhớt dai và đẹp hơn.
-       Trong lúc hấp đậu tranh thủ chuẩn bị cái: Giã nát Natto thành phẩm (cái) trong một cái bát, trộn đường và muối vào, đảo đều để như vậy đợi đến khi hấp đậu xong thì lấy 2-3 thìa nước hấp đậu trộn vào bát, trộn đều cho thành một hỗn hợp nhuyễn sền sệt là được.
-       Để nồi áp suất xì hết hơi, chút đậu vào âu hoặc bát to để ủ. Kiểm tra xem đậu luộc đã đạt chưa bằng cách dùng hai đầu ngón tay miết hạt đậu, nếu thấy hạt đậu nát vụn ra là được còn nếu hạt đậu không nát vụn ra được mà chỉ vỡ ra thành những mảnh nhỏ thì là đậu luộc chưa đạt yêu cầu cần tăng thời gian hấp lên. Hạt đậu phải mềm theo yêu cầu thì quá trình lên men mới tốt.(Nếu bạn luộc đậu thì cần phải trút đậu ra rá cho ráo nước trước khi ủ).
-       Khi đậu nguội bớt, sờ vào thấy còn hơi nóng tay thì bắt đầu ủ đậu. Nhanh tay cho hỗn hợp cái vào trộn đều với đậu, càng được trộn đều cái càng bám đều vào từng hạt đậu thì quá trình lên men sẽ đều và tốt hơn, san đều đậu và nhanh tay dùng lá nhôm bọc kín bát đậu lại, dùng mũi dao hoặc mũi kéo nhọn đục nhiều lỗ thủng trên mặt lá nhôm, nhanh tay cho đậu vào nồi ủ. Tại sao phải nhanh tay? để đậu còn nóng trước khi cho vào ủ nhờ vậy quá trình lên men sẽ tốt hơn.

Cách ủ đậu:

-       Trên web có giới thiệu nhiều cách ủ đậu: Ủ bằng lò nướng, lò vi sóng bằng thiết bị cảm biến nhiệt… các bạn có thể tham khảo, còn mình thì hay ủ bằng nồi cơm điện hoặc nồi áp suất rất tiện. Cho âu đậu vào nồi, đậy vung bật chế độ nấu (cook). Hồi đầu chưa quen mình thấy lo lo vì bật chế độ cook mà nồi không có nước thì liệu có bị cháy không? Thực ra không phải lo lắng gì cả vì sau khi làm nóng nồi khoảng 10 -15 phút là nồi sẽ tự động chuyển sang chế độ keep warm. Cứ cắm điện ủ như vậy khoảng 20 - 23 tiếng là được, nếu trời mùa hè nóng nực có thể giảm bớt  thời gian ủ.
-       Trong qua trình ủ nên thỉnh thoàng kiểm tra xem đậu lên men tốt không, dùng đũa đảo nhẹ thấy đậu bắt đầu có sợi nhớt dai và mềm, có mùi thơm tỏa ra là được.
-       Bỏ Natto ra để nguội ở nhiệt độ phòng. Đậy nắp hoặc để nguyên lá nhôm cho Natto vào ngăn mát tủ lạnh 7 -10 ngày sau là có thể ăn được.
-       Natto ăn kèm nước tương tamari, mù tạt rất ngon, có thể ăn với cơm, với mỳ hoặc dùng chế biến các món canh như canh Natto rong biển rất ngon.

Phù …Mất vài ngày mới hoàn tất quy trình làm và ủ Natto! nghe có vẻ dài dòng phức tạp thật nhưng thực ra thời gian và công sức bạn thực sự phài dành cho nó rất ít… chắc tổng cộng các thao tác chỉ mất khoảng 10 - 15 phút. Nếu bạn căn chỉnh thời gian tốt thì đây là món chế biến rất đơn giản và nhàn nhã (cần căn chỉnh thời gian để đảm bảo những giai đoạn cần thiết như ủ natto, dỡ natto mình đều phải có mặt). 



Dùng lá nhôm bọc kín bát đậu, dùng mũi dao đục nhiều lỗ thủng trên mặt lá nhôm

Wednesday, August 26, 2015

Edamame



Edamame - đậu nành luộc là món ăn được ưa chuộng của người dân Nhật Bản, nó thường được dùng làm món khai vị trong các bữa ăn của người Nhật, mỗi khi đi ăn nhà hàng Nhật mình thấy mọi người đặc biệt là các chị em rất thích thú với món khai vị này. Ở Việt nam món đậu nành luộc cũng là món ăn chơi rất thú vị, cả nhà ngồi quây quần tay ải tay ai quanh rổ đậu luộc vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả.
Edamame thật ra cũng là loại đậu nành giống của Việt nam mình nhưng quả và hạt của nó to hơn đậu nành Việt nam một chút, đó chính là những quả đậu nành hái khi còn xanh chứ chưa chín già. Với món Edamame bạn có thể dùng quả đậu tươi hoặc dùng đậu quả cấp đông đều rất ngon.
Một nét thú vị nữa, đó là, khi vào vụ đậu nành, trên các con phố Hà nội bạn dễ dàng tìm thấy các bác xe thồ dựng xe đứng bán những túm đậu nành nguyên cành, quả tươi xanh còn đầy lông, đó chính là loại đậu nành bạn cần. Thời vụ đậu nành thường ngắn, qua vụ thì dù có thèm mấy bạn cũng khó có thể lùng mua được những quả đậu nành tươi non này, nên nếu là fan của món này thì vào vụ bạn hãy mua nhiều, vặt quả rửa sạch cho vào ngăn đá để dùng dần.

Nguyên liệu

-         Đậu nành: 300gam
-         Xì dầu/ soy sauce: đủ dùng
-         Giấm: đủ dùng
-         Gừng tươi bằm/ giã nhỏ: đủ dùng
-         Muối hạt – coarse sea salt: đủ dùng

Chế biến:

-          Đun sôi nước.
-          Thả đậu vào luộc, nếu bạn dùng loại đậu cấp đông cũng không cần giã đông trước khi luộc, lấy từ tủ lạnh ra là bạn có thể cho thẳng vào nồi luộc.
-          Luộc đến khi đậu chín tới trút đậu ra rá cho ráo nước, dội lại bằng nước lạnh, để ráo nước.

Có hai cách dùng Edamame, một là Edamame xóc muối hai là Edamame dùng với nước chấm.

Cách 1: Edamame xóc muối:

Rắc muối hạt vào đậu, xóc đều.

Cách 2: Edamame dùng với nước chấm:

Đây là cách thưởng thức Edamame kiểu mới cũng rất thú vị, làm nước chấm bằng cách trộn đều hỗn hợp xì dầu + giấm + gừng bằm. Khi ăn chấm quả đậu vào nước chấm.


Yêu cầu thành phẩm:

Wednesday, June 3, 2015

Muối cà pháo

Cà pháo là món ăn dân giã nhưng thực sự để muối được vại cà ngon chẳng dân giã tý nào nhất là đối với những người “không có tay muối dưa muối cà” (giống mình). Chẳng thể nói khâu nào là quan trọng nhất từ việc phơi cà cho héo bớt đến việc ngâm cà vào nước muối pha loãng, đến việc gia giảm chút tỏi, chút đường… nhưng có lẽ pha nước muối cà là khâu khó nhất vì nó đòi hỏi người làm phải rất tinh tế: nhạt hơn hay mặn hơn một chút, cho ít hơn hay nhiều hơn một chút đường chút tỏi đều ảnh hưởng đến chất lượng món ăn. Thưc ra là rất khó để đưa ra một công thức tỷ mỉ bao nhiêu gam muối bao nhiêu gam đường v.v,  tất cả là ở sự khéo léo tinh tế người làm.  
Thường thì một mẻ cà muối bao giờ mình cũng chọn những quả cà to hơn dùng dao khía đôi (không đứt rời) phần còn lại để nguyên quả, những quả được khía sẽ nhanh ngấm và chua trước dành để ăn trước, phần còn lại chua tới là vừa.


Vườn cà nhà mình:





Loay hoay một lúc thì 5 ngày sau được thành phẩm như thế này đây :-) đảm bảo ngon bổ rẻ mà lại còn siêu sạch nữa chứ: 



Nguyên liệu

-      Cà pháo: 0,5kg
-      Muối hạt: đủ dùng
-      Tỏi bằm: 3 củ
-      Đường: 2-3 thìa cà phê
-      Nước đun sôi để nguội: đủ dùng

Chế biến:

-       Cà cắt bỏ cuống (không cắt sát quá) để 1/2 ngày hoặc 1 ngày cho héo.
-       Rửa sạch cà, khía, rồi thả vào chậu nước muối pha loãng ngâm từ 0,5 – 1 tiếng cho ra bớt chát và thải bớt độc, vớt ra để ráo nước.
-       Rửa sạch vại, cho nước đun sôi để nguội + muối hạt + đường + tỏi bằm vào vại,  quấy đều hỗn hợp cho muối và đường tan hết. Hỗn hợp pha được mặn hơn nước canh hàng ngày ăn một chút là được.
-       Thả cà vào vại, dùng vỉ hoặc đĩa chặn trên mặt sao cho toàn bộ cà ngập hoàn toàn trong nước.
-       Cà sẽ chua dần sau 4 – 5 ngày.


Monday, May 18, 2015

Sinh tố chuối

Ba nguyên liệu chính làm nên cốc sinh tố thơm ngon béo ngậy là chuối, sữa chua và sữa tươi. Sữa và chuối kết hợp rất hoàn hảo với nhau cho bạn cốc sinh tố thơm ngon, đặc biệt không thể thiếu được sữa chua nhé, sữa chua sẽ làm cho sinh tố thêm béo ngậy đấy.
Có đôi khi mình cũng thích biến tấu một chút để thay đổi khẩu vị như cho thêm một ít lạc rang, chút mật ong, hoặc chút sôcôla cũng rất thú vị, đôi khi mình lại kết hợp chuối với loại hoa quả khác để làm sinh tố như xoài, dâu tây, dứa... rất hoàn hảo.
Chuối thì mình hay dùng chuối tươi đông lạnh. Chuyện là nhà mình hay mua cả buồng chuối để chín ăn dần chứ không mua chuối đã chín sẵn ở chợ vì lo sợ họ dấm bằng thuốc, thế nên khi chuối chín rộ là mình lại bóc một ít cho vào hộp trữ trên ngăn đá tủ lạnh để làm sinh tố. Dùng chuối tươi cũng ngon nhưng dùng chuối đông lạnh món sinh tố của bạn sẽ sánh nhuyễn hơn.



Nguyên liệu

Nguyên liệu đủ làm 2 cốc sinh tố:
-      Chuối chín: 4 quả
-      Sữa chua: 100 gam (1 hộp sữa chua thông thường)
-      Sữa tươi không đường: 300 ml
-      Lạc rang: 100 gam, optional
-      Mật ong:  đủ dùng, optional
-      Đá bào: đủ dùng, Optional. Nếu dùng chuối đông lạnh thì không cần dùng đá bào nữa.

Chế biến:

-       Chuối chọn quả chín vàng, bóc vỏ. Có thể dùng chuối tươi hoặc chuối đông lạnh.
-       Lạc rang chín, bóc vỏ, ½ cho vào máy xay sinh tố xay cùng các nguyên liệu khác, ½ dã dập.
-       Cho các nguyên liệu chuối, sữa chua, sữa tươi, mật ong (optional) và ½ lạc rang (optional), đá bào (optional) vào máy xay sinh tố xay đến khi hỗn hợp sánh mịn là được .
-       Rót hỗn hợp ra cốc, rắc lên trên một chút lạc rang đã dã dập (optional).
-       Dùng ngay hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh dùng dần


Saturday, March 21, 2015

Trứng tráng cà chua


Món này mẹ hay làm cho hai chị em Cún ăn sáng, hai chị em hay yêu cầu là: mẹ cho nhiều cà chua vào trứng mới mềm và ngon, cà chua phải khô và sém thơm mới ngon, lần sau mẹ nhớ làm nhiều hơn nhé… bla..bla…ấy là hai chị em Cún yêu cầu như vậy đấy, nên đầu bếp mẹ cứ thế mà răm rắp làm theo thôi.



Nguyên liệu

-      Trứng: 4 quả
-      Cà chua chín: 2 quả (150g)
-      Hành củ: 1 - 2 củ
-      Muối/ gia vị/ mắm: đủ dùng
-       Dầu ăn: đủ dùng
-       Tiêu xay: Optional
-       Sốt mayonaise để ăn kèm: Optional

Chế biến:

-       Cà chua rửa sạch thái lát mỏng, cà chua to thì nên bổ đôi trước khi thái lát còn quả nhỏ thì không cần bổ đôi.
-       Trứng đánh tan cùng một chút muối/ gia vị/ mắm.
-       Hành củ bóc vỏ thái lát hơi dầy một chút.
-       Chảo dầu nóng già, bật lửa to, cho hành củ và cà chua vào chảo, xếp sao cho từng lát cà chua đều được tiếp xúc trực tiếp với lòng chảo. Lửa to để cà chua chín mà không bị ra nước, rắc đều một chút muối/ gia vị lên trên mặt cà chua.
-       Khi cà chua đã chín tái, vặn lửa vừa và từ từ rót đều trứng vào chảo sao cho trứng phủ đều một lượt lên cà chua, có thể nghiêng nhẹ chảo để láng đều trứng.
-       Đun lửa vừa đến khi trứng bắt đầu se mặt trên, rắc đều tiêu lên mặt trứng. Tiếp tục vặn to lửa hơn để mặt dưới trứng sém thơm.
-       Có thể lật mặt để rán trứng hai mặt hoặc không lật tùy ý.  
-       Ăn nóng kèm sốt Mayonnaise rất ngon.


Yêu cầu thành phẩm: